Hầu hết các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra do nấu chưa chín, chế biến và bảo quản không đúng cách. Vì vậy, bạn cần thận trọng trong các khâu này để giảm nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.
Sau đây là những bí quyết đơn giản nhưng lại mang đến hiệu quả cao trong việc hạn chế nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm:
1. Luôn rửa tay với nước ấm và xà phòng khi chuẩn bị thức ăn. Dù bạn là người rất bận rộn cũng tuyệt đối không được bỏ qua điều này. Theo các chuyên gia, đây là khâu có ý nghĩa quan trọng trong việc hạn chế nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.
2. Giữ nhà bếp và đồ dùng nhà bếp luôn sạch sẽ. Thực phẩm rất dễ bị nhiễm khuẩn trong quá trình chế biến và nấu nướng. Vì vậy, bạn cần giữ bếp và đồ dùng nhà bếp sạch sẽ để hạn chế nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.
3. Đối với thực phẩm đóng hộp, bạn cần cất trữ chúng ở nơi khô ráo, sạch sẽ và không tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời.
4. Rửa rau quả trước khi ăn hay chế biến. Đừng nghĩ thực phẩm mua trong siêu thị được bọc trong túi là sạch sẽ. Bởi, chúng vẫn chưa rất nhiều loại vi khuẩn có hại cho sức khỏe. Vì vậy, bạn cần rửa sạch tất cả các loại thực phẩm trước khi ăn, dù chúng đã được đóng gói cẩn thận hay được nhà sản xuất quảng cáo là an toàn.
5. Đối với các thực phẩm bảo quản trong ngăn đá, hãy đảm bảo chúng được rã đông hoàn toàn trước khi chế biến và nấu ăn.
6. Bạn cần để thú cưng tránh xa thực phẩm. Bởi, dù được vệ sinh thường xuyên và cẩn thận thì vật nuôi trong nhà vẫn là tác nhân truyền một số loại vi khuẩn nhất định và khiến bạn có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.
7. Hãy chắc chắn các loại thực phẩm đã được nấu chín trước khi ăn. Bạn tuyệt đối không được ăn thịt khi chúng vẫn còn màu hồng và hạn chế ăn các món tái. Bởi, trong những ngày hè nắng nóng, chúng sẽ rất dễ bị nhiễm khuẩn khiến bạn phải đối mặt với nguy cơ cao về ngộ độc thực phẩm.
8. Tránh để thực phẩm sống và thực phẩm chín “tiếp xúc” với nhau. Việc để thực phẩm sống và chín trong cùng một ngăn tủ lạnh sẽ làm chúng bị nhiễm khuẩn chéo. Vì vậy, bạn nên bảo quản riêng với mỗi loại thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình.
9. Sử dụng đồ dùng riêng cho thực phẩm sống và chín. Một con dao đã cắt thực phẩm sống có thể có vi khuẩn trên đó và sẽ truyền vi khuẩn cho thực phẩm khác nếu dùng chung.
10. Luôn kiếm tra hạn sử dụng thực phẩm đóng gói trước khi ăn. Hành động này đơn giản nhưng lại là khâu quan trọng để tránh việc ngộ độc thực phẩm.
11. Vứt bỏ ngay các loại thực phẩm đã mất đi mùi vị đặc trưng hay đã xuất hiện nấm. Đây là những dấu hiệu cho thấy, thực phẩm đã bắt đầu hỏng. Vì vậy, đừng tiếc của mà tổn hại đến sức khỏe của mình và gia đình.
Nguồn trích "netlife"