1. Xông hành tươi
Khi bị cảm lạnh thường hay bị ngạt mũi rất khó chịu. Bạn hãy trị chứng ngạt mũi bằng cách thả ít hành tươi thái nhỏ vào một bát nước thật nóng. Sau đó, ghé mũi sát miệng bát hít thật sâu. Làm như vậy nhiều lần sẽ khiến bạn thấy dễ thở và nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Cũng có thể sắc hành để lấy nước uống.

2. Cháo hành tía tô
Đây là một bài thuốc dân gian rất thông dụng, được sử dụng nhiều. Ninh như một nắm gạo, trước khi bắc xuống cho hành tươi, tía tô đã băm nhỏ vào. Nếu có điều kiện cho thêm một lòng đỏ trứng gà, chút muối tinh rồi đổ ra bát, ăn thật nhanh. Cũng có người sắp sẵn lòng đỏ trứng, hành, tía tô băm nhỏ trong báo rồi đổ cháo thật nóng lên trên, quấy đều và ăn nóng.

Quan trọng là bạn phải chọn đúng rau tía tô mà không nhầm với lá rau khác. Lá rau tía tô, đặc biệt là tía tô nếp thường nhỏ, răng cưa ở viền lá mau hơn, lưng lá có màu tím sẫm và bấm vào mặt lá thấy có mùi thơm rất đặc trưng của tía tô.
3. Nước đường gừng và cháo gừng
Không chỉ là một gia vị trong nấu ăn, gừng còn là một vị thuốc quí có tác dụng chữa nhiều bệnh hiệu quả.
Khi bị cảm lạnh, chỉ cần uống một chén nước đường gừng là người bệnh đã có thể thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Chọn củ gừng thật già, rửa sạch, để nguyên vỏ, thái từng lát mỏng và cho vào đun cùng với một bát nước đường. Đun đến khi chỉ còn khoảng hai chén và cho người bệnh uống nóng, mỗi chén uống cách nhau khoảng 1 tiếng.

Cũng có thể cho người bệnh ăn cháo gừng. Cháo gạo tẻ nấu với vài lát gừng tươi, ninh thật nhừ và sánh. Cháo phải được ăn nóng với chút muối.
4. Canh mùi tàu, thịt bò
Trong trường hợp nhiễm lạnh kèm theo sốt nhẹ, sổ mũi thì bạn có thể lấy rau mùi tàu, thái to nấu với một lạng thịt bò xay hoặc băm thật nhỏ và gừng tươi. Sau khi húp một bát canh như vậy hãy nằm nơi kín gió và thư giãn hoặc ngủ khoảng 1 tiếng.

5. Nước cà rốt
Cà rốt để nguyên vỏ, rửa thật sạch và thái thành từng lát mỏng rồi nấu lên trong vòng 15 phút. Sau đó, chắt lấy nước, pha thêm chút đường và uống khi còn nóng.

6. Cháo sữa
Đây là cách chữa cảm lạnh phổ biến nhất ở các nước Đông Âu nhưng bạn hoàn toàn có thể thực hiện được dễ dàng. Hãy ngâm gạo khoảng 30 phút sau đó ninh nhừ. Trước khi bắc ra đổ sữa đặc có đường hoặc sữa tươi với mật ong vào cháo, đánh thật đều và ăn nóng. Ăn một bát cháo như vậy có thể tỉnh người và hồi sức rất nhanh.

nguồn: kiến thức đông y