Canh đắng

Canh đắng là một món ăn làm nên nét riêng của ẩm thực Thanh Hóa
Nhắc đến Thanh Hóa, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến món canh đắng có hương vị đặc biệt. Bởi cũng giống như tên gọi, canh có vị khá đắng nên không dễ gì có thể quen ngay được khi nếm thử lần đầu, nhưng chỉ sau vài lần ăn thực khách chắc chắn sẽ yêu thích. Cảm giác đắng ban đầu chỉ ở đầu lưỡi, còn khi nuốt vào trong cổ họng, thì lại cảm thấy thanh mát, ngòn ngọt...
Lá đắng dùng nấu canh là một loại lá tự nhiên mọc trong rừng có hình dáng giống lá sắn. Canh lá đắng thường được nấu cùng với thịt lợn hoặc cá băm nhỏ, thêm một chút riềng, sả, cơm mẻ, mắm tôm. Trong mùa hè nóng nực, bạn húp bát canh đắng cũng thấy tỉnh hẳn người, bao mệt mỏi dường như tan biến.
Nem chua Thanh Hóa

Nem chua xứ Thanh là một món ăn độc đáo
Khác với nem chua Chợ Huyện, nem Lai Vung, nem Thủ Đức nem xứ Thanh vừa chua, vừa cay lại có cả vị mặn mà của gia vị ớt, tỏi, hạt tiêu lại có vị ngọt của thịt làm ta cứ muốn thưởng thức mãi chẳng muốn dừng. Vì thế, nếu một lần đi qua xứ Thanh, đừng quên mua cho mình, cho người thân, bạn bè những bó nem chua để làm quà.
Món Nham
Món nham mềm thấm đều vị chua mặn ngọt
Nham là một món ăn gần giống với làm gỏi của người miền Nam, được làm từ thịt heo, khế, bánh tráng, gạo rang, vừng (mè) lạc (đậu phộng), rau thơm và các loại gia vị. Để món nham thêm đậm đà, nước chấm đi kèm là một chén nước tương hạt giã nhuyễn.Nham ngon khi thịt mềm, nham khô không có nước, ăn vị chua, ngọt, mặn thấm đều. Ai đã ăn món nham quê hương Thanh Hóa đều thích và nhớ mãi mùi vị đặc trưng mà không nơi nào có được
Chè lam Phủ Quảng

Chè mề, dẻo thơm hòa quyện chút cay của gừng trong vị ngọt ngào của mật mía
Chè lam là một món quà quê giản dị, dân dã mà ở nhiều vùng nước ta đều có. Nhưng có lẽ, nếu một lần thưởng thức món chè lam Phủ Quảng của huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa bạn mới phát hiện ra đây chính là nơi làm ra thứ chè ngon lam ngon nhất. Chè lam được làm từ gạo nếp, lạc, gừng, mật mía thứ mật thơm ngon, đặc sánh và ngọt ngào. Chè mềm, thơm, dẻo dẻo hòa quyện chút cay của gừng, và ôm trọn trong vị ngọt ngào của mật mía. Dù đi xa, nhưng những người con Thanh Hóa vẫn luôn nhớ về hương vị dân dã phảng phất thứ khói bếp chắt chiu và nồng đượm đang hòa quyện trong những thanh chè lam bé nhỏ.
Bánh gai làng Mía

Bánh gai thơm ngon thường được làm vào những ngày giỗ chạp
Bánh gai trước là lễ vật dâng vua, sau là sản vật không thể thiếu trong dịp giỗ anh hùng Lê Lai, Lê Lợi và thiết đãi khách mỗi lần giỗ Tết. Chiếc bánh làm ra đòi hỏi công phu từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu làm. Bánh gai luộc lên rồi để nguội, bóc lớp lá chuối không bị dính, có màu đen mịn màng của lá gai, dẻo thơm của gạo nếp và ngọt ngào của nhân đậu xanh, dừa nạo, mật mía.
Bánh răng bừa

Bánh răng bừa là một loại bánh dân dã đòi hỏi sự kỳ công trong khâu chế biến
Bánh răng bừa (có nơi gọi là bánh tẻ hoặc bánh lá) có cái tên rất thú vị, được người Thanh Hóa gọi thế vì hình dạng chiếc bánh trông giống cái răng bừa. Đây là loại bánh truyền thống của người xứ Thanh thường được làm vào ngày rằm, ngày giỗ, ngày Tết Nguyên đán hay những khi nhà có công việc.
Bánh răng được làm từ gạo tẻ, loại dẻo, thơm, được gói bằng lá dong hay lá chuối. Còn nhân bánh được làm từ hành khô, mộc nhĩ, thịt ba chỉ, hạt tiêu, gia vị. Bánh răng bừa nóng hổi, cùng lớp bột tẻ mềm, mịn trắng pha lẫn chút màu xanh của lá với phần nhân hành thịt thơm nức mũi chấm chìm vào nước pha loãng rồi chậm rãi cho lên miệng thưởng thức.
Mắm cáy

Cà rất hợp để chấm với mắm cáy
Mắm cáy có hương vị rất đặc biệt, đây là một đặc sản được người dân Thanh Hóa yêu thích. Mắm cáy được làm từ con cáy, một loài giáp xác có hình thù giống con cua đồng hay con rạm nhưng nhỏ và nhanh hơn. Cáy có nhiều loại như đỏ, nâu, đen, lông, gió… Trong đó, cáy đỏ làm mắm ngon nhất. Cứ vào độ tháng 5, trời nắng, trên những cánh đồng nước cạn, những con cáy thi nhau chui ra khỏi hang và đó cũng là thời điểm người dân nơi này bắt tay vào làm mắm cáy.
Mắm cáy có màu đỏ au, nồng nồng pha chút gì đó ngai ngái như mùi của ruộng của đồng nhưng khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận được vị thơm, ngọt. Những món ăn hợp nhất để chấm với mắm cáy là thịt ba chỉ luộc, cà muối xổi, các loại rau luộc…Món ăn dân dã này rất thích hợp để thưởng thức vào những ngày trời chuyển lạnh, rất bắt cơm.
Gỏi cá Sầm Sơn

Gỏi cá là món khai vị nhẹ nhàng nhưng tinh tế
Sầm Sơn là một bãi biển đẹp của Thanh Hóa, thu hút rất nhiều du khách đến vui chơi và giải trí, nhất là vào mùa hè. Cá sau khi được lọc và thái thành từng miếng mỏng, rồi trộn với nước cốt chanh và trộn với bột thính.
Nước chấm gỏi cá mới đặc biệt và cầu kỳ, được làm da, gan cá, thịt ba chỉ, trứng vịt và các gia vị như hành, tỏi, mẻ, mắm, muối, mì chính, đường, hạt tiêu, ớt… Rau thơm để ăn cùng gỏi cá vẫn là những loại rau quen thuộc như húng, mùi tàu, răm, đinh lăng, lá sung, mơ tam thể cùng khế, chuối xanh... Tất cả các nguyên liệu được bày ra đĩa, rồi lượt cuốn từng nguyên liệu lại trong chiếc bánh đa nem, và nhẹ nhàng nhúng vào bát nước chấm. Khi ăn thực khách sẽ tận hưởng sự hòa quyện một cách hài hòa trong từng nguyên liệu của món ăn, một cảm giác rất tuyệt vời.
Chả tôm

Chả tôm vàng ươm, dòn rụm ăn với rau sống và chấm với nước mắm ngon
Nếu đã có dip ghé ngang Thanh Hóa, mà chưa được thưởng thức món chả tôm – một món ăn ngon không chỉ người dân Thanh Hóa, mà cả du khách gần xa đã một lần thưởng thức đều yêu thích. Nhân chả tôm được làm từ tôm, thịt ba chỉ, hành khô và bánh phở và phần vỏ ngoài là bánh phở.
Chả được kẹp vào những nẹp tre tươi hoặc xếp lên vỉ nướng, nướng trên lửa than hoa, khi bỏ ra đĩa là những miếng chả tôm nóng hổi, lớp vỏ bánh hơi cháy, lấp ló nhân bánh vàng đỏ hấp dẫn, mùi thơm ngào ngạt. Nước chấm ăn kèm chả tôm cũng phải đủ vị, đu đủ xanh thái mỏng, quả sung thái lát, ớt tươi, tỏi, dấm, đường… làm dưa góp và nước mắm cốt pha loãng. Không thể thiếu rổ rau sống tươi ngon gồm rau diếp, mùi, húng…Chắc chắn ăn một lần bạn sẽ nhớ mãi về vùng đất và con người Thanh Hóa.
Rượu nếp Nga Sơn

Rượu Nga Sơn thơm dịu của mùi nếp mới
Thanh Hoá được biết đến với nhiều loại rượu nếp ngon như nếp cẩm Cẩm Thuỷ, rượu nếp cái hoa vàng, rượu tăm làng Quảng, rượu cần Bá Thước … nhưng rượu nếp ngon, nổi tiếng làm say lòng du khách vẫn là rượu nếp Nga Sơn. Chỉ cần nhấp một giọt, du khách sẽ cảm nhận được vị thơm dịu của mùi nếp mới, vị cay cay, ngọt ngọt nơi cuống họng, hơi ấm lan toả dần dần tới mọi huyết mạch cơ thể … Đó chính là hương vị độc đáo của rượu nếp Nga Sơn. Đến quê hương của quả dưa đỏ, khi trở về du khách đừng quên mang theo rượu nếp Nga Sơn về làm quà cho bạn bè và người thân.
Nguồn: Món ngon Sài Gòn