Chuối ngự Đại Hoàng trồng khó hơn các giống chuối thông thường khác, từ mùa xuân năm nay đến mùa xuân năm sau mới bắt đầu ra hoa. Chuối ngự có 2 loại: chuối ngự trâu quả to, ăn nhạt, còn chuối ngự thóc (còn gọi chuối ngự mít) ngọt đậm, thơm nồng nàn khó tả, chính là chuối tiến vua chỉ có ở Đại Hoàng. Quả chuối ngự xinh xinh, bụ bẫm, cuống thanh thanh, các cụ ngày xưa ví như “búp tay cô gái” kéo sợi dệt vải quê đồng chiêm. Vỏ chuối vàng óng như lụa, bóc vỏ, ruột lộ ra liền. Quả chuối mềm nuột, màu vàng nhạt, cắn một miếng, lộ ra ruột vàng sậm, thơm nức.
Hồng không hạt Nhân Hậu (nay là xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân), cũng chính là làng Đại Hoàng xưa - quê hương cố nhà văn Nam Cao. Hồng không hạt Nhân Hậu quả to, dáng cân đối, khi chín màu chuyển dần từ đỏ tươi sang đỏ thẫm, da mỏng mịn căng tròn, không có một vệt nhăn hay rám đen trên mặt quả. Hồng không hạt là đặc sản Hà Nam đang được bảo tồn và phát triển.
Rượu làng Vọc (huyện Bình Lục) được nấu bằng gạo đặc sản ủ với men ta gồm 36 vị thuốc Bắc. Công đoạn làm rượu rất công phu. Từ lúc úp men phải trải qua 2 – 3 ngày, chờ khi men dậy mới được mở. Nói tới món đặc sản Hà Nam này, không ai không nhắc tới thương hiệu Vọc Long Tửu của gia đình ông Nguyễn Văn Long, người đã có công lớn trong việc vực dậy danh tiếng của rượu làng Vọc. Vọc Long Tửu đã đoạt được nhiều giải, cúp vàng về chất lượng và mẫu mã cùng nhiều câu thơ ca tụng.
Bánh đa nem làng Chều (xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân) mang hương vị man mát, trắng mịn màng dẻo thơm. Khi rán lên, vỏ nem giòn, vàng nộm, đậm đà. Nghề làm bánh đa nem đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo cùng sự chịu thương chịu khó của con người. Từng chiếc bánh đa nem mang quốc hồn quốc túy ấy là sự kết tinh của mồ hôi, nước mắt và bao tâm huyết của người dân làng Chều nói riêng hay những làng nghề làm bánh đa nói chung. Món đặc sản Hà Nam này còn được xuất khẩu ra các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Cá kho niêu đất làng “Vũ Đại”: Từ bao đời nay, làng “Vũ Đại” hay còn gọi là làng Đại Hoàng, huyện Lý Nhân, Hà Nam nổi tiếng với món cá trắm đen kho truyền thống “nức danh” trong và ngoài nước. Những năm trở lại đây, danh tiếng cá kho của làng được nhiều người biết tới. Từ tháng 8 âm lịch, người dân trong làng bắt đầu tìm mua cá trắm đen từ 4kg trở lên để thả ao dành cho Tết.
Nồi đất phải chọn đúng loại có xuất xứ ở Nghệ An, Thanh Hóa. Củi phải là củi nhãn để cháy đượm và mất mùi đất nung. Cá phải là loại trắm đen to. Khi kho, người nấu sẽ cắt bỏ đầu và đuôi cá và xếp vào nồi đất. Phần cốt lõi để tạo nên hương thơm của vị cá chính là các gia vị kho cùng gồm nước cốt chanh, gừng, riềng, nước cốt cua đồng và nước bí quyết gia truyền riêng. Tất cả được đun sôi liu riu khoảng 24 giờ cho tới khi cạn nước.
Bánh cuốn chả nướng Phủ Lý: Ở những nơi khác, bánh cuốn có nhân thịt băm, mộc nhĩ và ăn kèm chả quế. Nhưng ở Hà Nam, chả nướng sẽ được dọn kèm bánh cuốn. Thịt lợn thái miếng vừa ăn, tẩm gia vị đầy đủ và được nướng thơm trên than hồng. Món nước chấm rất quan trọng với đầy đủ mọi vị mặn ngọt chua cay pha chế hài hòa. Khi ăn, thực khách sẽ rắc thêm chút tiêu, ớt lên trên, ăn kèm cùng chút rau húng, giá đỗ và hoa chuối thái bào. Bánh cuốn Hà Nam bán nhiều ở chợ Phủ Lý, các hàng quán bên sông Đáy.
Mắm cáy Bình Lục: Làm mắm không quá khó nhưng để đạt được hương vị đậm đà thơm ngon cần sự tỷ mỉ, khéo léo. Cáy sau khi bắt về sẽ được rửa sạch rồi giã nhuyễn trong cối đá. Vừa giã, người thợ sẽ cho thêm chút muối tinh. Sau đó tất cả được đổ vào hũ sành cùng riềng và gừng đập giập. Mắm cáy được phơi ngoài nắng cho “ngấu” rồi có thể chôn dưới đất. Để càng lâu, mắm càng đậm đà. Mắm thành phẩm có màu nửa xanh nửa nâu, rất hợp để chấm rau lang luộc. Với những món canh nấu bằng mắm cáy, rau càng xanh mướt và ngọt vị hơn.
Bún Tái Kênh: Bún được sử dụng phổ biến song để có được sợi bún trắng trong, dẻo dai, săn sợi mà không hề nhờ tới chất tẩy trắng, bảo quản phải kể tới bún làng Tái Kênh (xã Đinh Xá, huyện Bình Lục, Hà Nam). Để làm nên những mẻ bún thơm ngon, việc quan trọng đầu tiên là bí quyết từ khâu chọn gạo. Gạo làm bún phải là gạo Khang dân, gạo Ải - loại gạo khi nấu phải khô. Các loại gạo như gạo Tạp giao, gạo Tám không dùng làm bún được vì loại gạo dẻo này khi làm các sợi bún sẽ bị nát và dính bết vào nhau.
Bánh đa kê: Bánh đa kê có lúc là món ăn điểm tâm sáng, và có người muốn đổi bữa, cũng đôi khi người Hà Nam tìm bánh đa kê nhấm nháp thay cho phở bò, xôi lúa, bánh giò. Bánh đa không giòn thì không thể có đa kê ngon. Bánh đa đã phết kê phải ăn ngay, chỉ cần để lâu khoảng 5 phút là bánh đa dai và mất hết vị ngon. Vị giòn thơm của bánh đa vừng quyện với vị mát của kê, vị bùi của đậu xanh, vị ngọt của đường kính tạo thành một món khoái khẩu của cả trẻ con lẫn người lớn.
Bún cá rô đồng Bún cá rô đồng Hà Nam cuốn hút người ăn nhờ lớp thịt vàng ruộm xen lẫn màu xanh của rau cải, vị ngọt thơm của nước dùng… Sự cầu kỳ của món ăn thể hiện khi các đầu bếp chọn cá rô đồng “chính hiệu” của vùng quê chiêm trũng chứ không phải cá rô phi, cá rô lai được bán đại trà trong các chợ.
Ốc đồng: Ốc nấu đậu phụ, chuối xanh và ốc xào khế là hai món ăn độc đáo của vùng đồng bằng Bắc bộ. Nhưng nếu bạn muốn ăn món ốc đích thực, xin mời về vùng quê Hà Nam. Những người nông dân thật thà chất phác lại là những người đầu bếp giỏi nhất cho món ốc đồng này. Thêm vào đó là cảnh tình làng nghĩa xóm thấm đượm trong từng hương vị quê nhà.
nguồn theo kiến thức