1. Từ 0 – 6 tháng tuổi: Trẻ sơ sinh có nên uống nước?
Nguồn dinh dưỡng chính của trẻ từ 0-6 tháng tuổi không gì khác chính là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Tập cho bé uống nước từ quá sớm không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển về cân nặng, chiều cao, mà còn ảnh hưởng đến cả sự an toàn tính mạng trẻ.
Thận của trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi còn yếu, đó chính là lý do bé sẽ đi tiểu nhiều hơn bình thường nếu được uống thêm nước. Từ đó, lượng natri trong cơ thể đồng thời bị mất đi, tác động tiêu cực đến hoạt động của đại não, dẫn đến triệu chứng khó chịu, buồn ngủ, thân nhiệt hạ thấp, phù mặt, chuột rút, co giật hoặc có thể ngất lịm.
2. Trẻ 6 – 12 tháng tuổi
Khoảng thời gian này, ngoài nguồn sữa, trẻ bắt đầu tập ăn dặm. Dinh dưỡng cho bé gia đoạn ăn dặm đã khá phong phú, đa dạng. Mẹ có thể cho con tập uống nước, nhưng chỉ cần bổ sung một ít là đủ. Sau mỗi lần ăn xong, cho bé uống thêm 2 thìa nước lọc, tốt nhất là vào khoảng 15-30ml nước. Cách này vừa giúp làm sạch khoang miệng bé, lại vừa tốt cho vị giác của bé những năm đầu đời.
Mẹ có thể cho con tập uống nước, nhưng chỉ cần bổ sung một ít là đủ.
3. Trẻ 1 tuổi trở lên
Bé đạt mốc 1 tuổi đã có thể khéo léo dùng tay cầm nắm, vì vậy không có gì lạ khi mẹ có thể cho con tự cầm cốc uống nước. Lượng nước bao nhiêu còn tùy thuộc vào nhu cầu của bé. Căn cứ vào màu nước tiểu của con, mẹ sẽ biết được bé đã uống đủ nước hay chưa.Theo đó, nước tiểu gần như trong đến màu vàng nhạt là tốt, ngược lại nước tiểu có màu vàng sậm hoặc vàng cam cho thấy bé đang thiếu nước trầm trọng.
Nguyên tắc bổ sung nước cho trẻ
-Trước bữa ăn, mẹ không nên cho trẻ uống nước, bởi nó có thể làm loãng dịch vị, gây hại cho hệ tiêu hóa, đồng thời còn làm trẻ no ngang và biếng ăn.
-Cho bé uống ít nước trước khi đi ngủ. Tè dầm hoặc thức dậy đi tiểu có thể ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giấc ngủ của bé.
-Ưu tiên ăn nhiều hơn uống, không uống trong bữa ăn, mà tốt nhất sau bữa ăn.
Bé bú mẹ có cần uống thêm nước lọc?
Chuyên gia dinh dưỡng, PGS.TS Lê Thị Bạch Mai cho biết:
Dinh dưỡng có tầm quan trọng đặc biệt đối với trẻ em. Chế độ dinh dưỡng tốt cho trẻ trong giai đoạn từ sơ sinh đến 24 tháng tuổi đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể chất trong suốt cuộc đời trẻ. Bé nhà bạn mới được 1 tháng tuổi và sữa mẹ là thức ăn thích hợp nhất cho bé. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị rằng “trẻ sơ sinh cần được cho bú sớm (trong vòng một giờ đầu sau khi sinh) và được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, sau đó ăn bổ sung hợp lý nhưng vẫn duy trì cho bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi”. Chế độ dinh dưỡng thích hợp trong suốt 2 năm đầu đời sẽ cải thiện sự tăng trưởng và phát triển thể chất, thành tích học tập và cả sức khỏe trong tương lai của trẻ.
Theo khuyến cáo này, việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn có nghĩa là trẻ sơ sinh chỉ bú sữa mẹ mà không ăn hoặc uống thêm bất cứ một loại thức ăn hay chất lỏng nào khác kể cả nước. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh, việc cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu giúp trẻ có nguồn dinh dưỡng tốt nhất và giảm khả năng phát sinh bệnh tật không chỉ ở tuổi ấu thơ (tiêu chảy, viêm phổi, hen phế quản...) mà cả khi trưởng thành (béo phì, đái tháo đường, tim mạch và một số ung thư).
Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ vì sữa mẹ cung cấp đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thu và phát triển cơ thể trẻ.
Sữa mẹ có thành phần 85% là nước. Do vậy, việc bú mẹ hoàn toàn có thể cung cấp nhu cầu về nước và dinh dưỡng cho trẻ, ngay cả trong điều kiện thời tiết nóng bức. Vì vậy, trong 6 tháng đầu, nếu bạn đủ sữa đảm bảo cho bé được bú mẹ hoàn toàn thì không cần thiết và không nên cho trẻ uống thêm nước nhằm giúp trẻ tận dụng tối đa nguồn sữa mẹ.
Trong sữa mẹ còn có các chất đề kháng giúp trẻ chống đỡ bệnh tật. Vì thế bạn không nên lo lắng về mất vệ sinh khi không cho bé uống nước tráng miệng sau mỗi bữa bú. Bạn cố gắng “ăn no, uống đủ, ngủ tốt” để đủ sữa cho bé được bú mẹ hoàn toàn. Bạn hãy cho bé bú theo nhu cầu, vừa để bé được tận dụng hết nguồn sữa mẹ, vừa có tác dụng giúp sữa mẹ được tiết ra tốt hơn và nhiều hơn ở những lần bú sau. Nếu cho trẻ uống nước lọc, bé sẽ bú ít hơn. Mặt khác, các dụng cụ như cốc, thìa và nước cũng có thể trở thành nguồn lây nhiễm bệnh cho bé nếu không được đảm bảo vệ sinh.
nguồn theo phụ nữ today