Trẻ ở độ tuổi tiểu học là giai đoạn đã nhận thức được hầu hết lời nói và hành động của những người xung quanh và bị ảnh hưởng bởi điều này, đặc biệt là cha mẹ. Vì vậy, phụ huynh chú ý hơn trong những lúc có sự xuất hiện của con. 6 điều cha mẹ không nên làm trước mặt con, cha mẹ nên ghi nhớ nhé!
1. Không nên cãi nhau trước mặt con
Những cuộc cãi vã thường mang đến những ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ
Nếu có mâu thuẫn, cha mẹ không nên cãi vã trước mặt con. Nội dung cuộc tranh cãi và thái độ của cả hai sẽ làm tổn thương đến trẻ. Trẻ sinh ra tâm lý chán chường, nản lòng và có xu hướng sống tiêu cực
Chưa kể, hình ảnh của cha hay mẹ sẽ bị “xấu đi”, sẽ không còn là tấm gương của trẻ. Điều này sẽ khiến cho việc dạy con gặp khó khăn. Thay vào đó, cha mẹ có thể “xử lý mâu thuẫn” khi không có con ở nhà hoặc đến một nơi chỉ có hai người.
Nếu mâu thuẫn chỉ ở mức độ tranh luận thì cha mẹ hoàn toàn có thể. Vì tranh cãi và tranh luận là hai việc khác nhau. Trong quá trình tranh luận với nhau, con cái có thể hiểu được vấn đề và có thể học hỏi được nhiều hơn.
2. Không dùng bạo lực trước mặt con
Điều này lại càng tuyệt đối nên tránh. Nếu cha mẹ có mâu thuẫn dẫn đến xô xát mà để trẻ trông thấy thì sẽ vô tình làm tổn thương trẻ. Vết thương lòng này có thể sẽ theo bé suốt cuộc đời.
Thông thường người bị bạo hành là mẹ, bé có thể sẽ bảo vệ mẹ, căm ghét cha và cảm thấy ngôi nhà là “địa ngục”. Từ đó, một thái độ sống tiêu cực sẽ hình thành. Nghiêm trọng hơn là nguy cơ đối diện với bệnh trầm cảm ở trẻ em, lì lợm, lớn lên trẻ sẽ hình thành có tính hung hăng, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.
3. Không “nói xấu” ai đó trước mặt con
Như một bầu trời trong vắt, trẻ con là bản sao phản chiếu phần nào về cha mẹ chúng. Hãy soi vào đó những điều tốt đẹp
Thay nhau kể xấu, phán xét và chỉ trích một ai đó khi đang có sự hiện diện của con trẻ là việc mà nhiều cha mẹ Việt mắc phải. Đã đến lúc các bậc phụ huynh cần hiểu rõ tác hại của việc này lên tính cách của con mình để nuôi dạy con được tốt.
Cha mẹ thường xuyên kể xấu và phán xét người khác làm cho con cái vô tình ảnh hưởng thái độ sống này và lớn lên có xu hướng tương tự. Khi đánh giá người khác chỉ biết nhìn nhận ở góc độ tiêu cực. Vì vậy kể xấu người khác là một trong những điều cha mẹ không nên làm trước mặt con.
Thay vào đó, cha mẹ nên nhớ và nghĩ đến những người tốt, việc tốt để có thể nói với nhau khi có mặt trẻ. Khen ngợi hoặc tìm ra những điều tốt đẹp của người khác để bàn cũng là cách dạy con thông minh. Vì qua câu chuyện đó, trẻ sẽ hiểu được việc nào tốt, việc nào xấu giúp hình thành lối sống đúng đắn về sau.
4. Không chê bai, coi thường người khác
Nhiều bậc phụ huynh có xu hướng thích chê bai và coi thường người khác. Chính thái độ này vô tình làm cho trẻ lầm tưởng rằng đây là điều nên làm.
Phụ huynh không nên nói những câu kiểu như “con đó thì làm được tích sự gì/ thằng con nhà ông A đó hư lắm, học dốt lắm, xấu lắm, nghịch phá lắm…./ nhà ông B nghèo rớt mồng tơi đi mà muốn mua cái này cái kia…”. Hoặc tỏ thái độ khinh thường một ai đó khi họ không may tật nguyền, không có hoàn cảnh may mắn…
Đây là những điều không nên làm trước mặt con nếu không muốn sau này con mình trở thành người thích chê bai người khác.
5. Cha mẹ không nói dối nhau và nói dối người khác
Nói dối là sai lầm mà các cha mẹ Việt hay mắc phải nhất, đặc biệt là trước mặt con. Nếu việc này được lặp đi lặp lại thì trẻ sẽ mặc định rằng nói dối chẳng có gì là xấu cả, lâu dần hình thành nên tính nói dối ở trẻ em. Ban đầu là nói dối cha mẹ, sau là với mọi người xung quanh. Ban đầu là nói dối việc nhỏ, sau là việc lớn.
Bởi vậy, cha mẹ nên hạn chế nói dối trước mặt con cái. Nếu rơi vào trường hợp cần nói dối thì phải hết sức tế nhị.
Nếu việc nói dối để tốt cho một ai đó hoặc cho một sự việc nào đó thì cha mẹ phải giải thích cho con hiểu ngay khi có thể. Tránh để trẻ hiểu rằng việc nói dối là hiển nhiên.
6. Kể về chuyện “riêng tư”
Nếu trẻ được sống sống một gia đình mà cha mẹ có cuộc hôn nhân hạnh phúc thì tâm lý và lối sống trẻ sẽ rất tốt
Trong danh sách Những điều cha mẹ không nên làm trước mặt con, kể về chuyện riêng tư của bố mẹ là điều cấm kị. Điều này có thể ít xảy ra nhưng không có nghĩa là không có.
Một số cha mẹ cho rằng trẻ ở độ tuổi tiểu học chưa hiểu nên vẫn có thể vô tư nói về vấn đề này trước mặt con. Tuy nhiên, họ không biết rằng giai đoạn này trẻ đã bắt đầu hiểu và nhận thức được vấn đề thông qua lời nói.
Nói về chuyện “riêng tư” trước mặt trẻ làm trẻ tò mò và dễ bị cám dỗ, dễ bị lôi kéo vào trò người lớn khi có kẻ xấu muốn “lạm dụng tình dục” trẻ.
Thay vào đó, phụ huynh hãy bày cho trẻ cách bảo vệ mình tránh xa các tác nhân dễ bị xâm hại. Dạy trẻ phân biệt giới tính, phân biệt người tốt người xấu, người nên – không nên gần gũi về các cử chỉ, hành động.
Hãy quan tâm và dành thời gian để hướng dẫn cho con mọi điều trong cuộc sống dựa trên tính cách tốt của cha mẹ. Hãy chia sẻ kiến thức và những trải nghiệm mà các bậc phụ huynh đã trải qua.
Nguồn: Amthucsaigon